LỊCH SỬ 55 NĂM TRƯỜNG TRUNG HỌC VŨNG TÀU

 

Kỷ niệm 55 ngày thành lập trường Trung học Vũng tàu

Trước năm 1954, Vũng Tàu chỉ mới có trường tiểu học. Học xong tiểu học, một số ít học sinh lên Sài Gòn học tiếp còn đa số phải thôi học vì địa phương chưa có trường trung học. Lúc đó, Ông đốc Cang ( Nguyên trưởng ty tiểu học Vũng Tàu ) đứng ra xin thành lập trường trung học. Nguyện vọng đó được chính quyền chấp thuận. Cùng với ông Đốc Cang, một số thương gia và phụ huynh học sinh đã vận động quyên góp xây dựng trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, tháng 7 – 1954, trường Trung học công lập đầu tiên của Vũng Tàu được thành lập. Thật là cảm động, trong những ngày xây trường, học sinh các lớp lớn bậc tiểu học (lớp 5) thay phiên nhau mỗi buổi chiều đến phụ giúp đúc gạch xi măng, trộn hồ, khuân gạch cho thợ xây. Trường TH Vũng Tàu đã được xây dựng lên từ nguyện vọng thiết tha, từ truyền thống hiếu học của những con người đến định cư lập nghiệp ở mảnh đất này.

Cổng trường xưa

Sân trường xưa

Hai mươi năm sau, vào những ngày trước tháng 4 – 1975, làn sóng người di tản từ miền Trung đổ vào Vũng Tàu rất đông, trường trở thành nơi lưu trú của những người di tản, do đó cơ sở vật chất, hồ sơ sổ sách và những kỷ vật của trường bị lưu tán khá nhiều. Sau ngày Đất nước được thống nhất, trường trung học Vũng Tàu vẫn có các lớp từ lớp 6 đến lớp 12, đến tháng 5 năm 1976 những em học hết lớp 9 được xét tốt nghiệp cấp 2 và tiếp tục học lớp 10 tại trường, trường không tuyển sinh lớp 6 nữa, những em học lớp 7 và 8 thì phải chuyển về các trường cấp 2 ở phường mình cư trú : học sinh phường Thắng Tam về học tại trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng, học sinh phường Châu Thành thì học tại các trường Châu Thành hay Nguyễn Thái Học…, một số thầy cô đang dạy hệ cấp 2 ở trường cũng chuyển về các trường cấp 2, trường nhận thêm một số học sinh cấp 3 từ các trường khác về học, từ tháng 9 năm 1976 trường chỉ tuyển sinh lớp 10, trong trường chỉ có các lớp cấp 3 ( từ lớp 10 đến lớp 12 ) , do vậy đến tháng 10 năm 1976 trường mới được cấp con dấu mới mang tên “ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP 3 VŨNG TÀU”. Trong những năm từ 1976 đến 1978, trường chỉ có từ 14 đến 16 lớp, do đó khu vực sát bên Điện lực, phía ra đường Trần Hưng Đạo hầu như bỏ trống không dùng đến. Năm 1979, Đặc Khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập, khu vực phía đường Trần Hưng Đạo được tách ra thành lập trường trung học Sư phạm của Đặc Khu. Năm 1991, Tỉnh mới được thành lập và Vũng Tàu trở thành Thành phố của Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời gian này, khu nhà đối diện với trường ở phía đường Lý Thường Kiệt được sử dụng làm trụ sở UBND Tỉnh. Dó đó số lượng công chức và học sinh của các trường tập trung ở đây khá đông, vào thời điểm tan học, có khi tắc nghẽn giao thông cả tiếng đồng hồ, đồng thời trường cũ cũng đến lúc hư hỏng nhiều. Trước tình trạng bức xúc đó, Ngành Giáo Dục đã đưa ra một giải pháp : trường THVT được dùng để chuyển hệ cấp 2 của trường cấp 1,2 Hạ Long về nhằm dãn mật độ học sinh qúa đông ở khu vực này, khi chuyển qua đáng lẽ sẽ gọi tên là Trường THCS Hạ Long nhưng do có sự lưu luyến và tôn trọng mảnh đất của THVT nên trường được đặt tên là trường THCS Vũng Tàu cho đến nay.

Một số hình ảnh của cựu học sinh về thăm trường xưa (cấp 2) năm 2010

Hàng cây cổ thụ trong sân trường vẫn còn đây – (cây Cồng – cây Me tây)

Vào đầu tháng 8 năm 1991 trường THVT dời về địa điểm mới, đó là một khu vực có diện tích gần 1 ha bên đường Lê Hồng Phong, mặc dầu thời gian này trời mưa liên tục, thầy và trò vẫn phải chuyển tất cả tủ, bàn, ghế, hồ sơ sổ sách…một số giấy tờ, tranh ảnh bị ướt, hư và thất lạc, nhưng nhiều dụng cụ thí nghiệm, hồ sơ từ vài chục năm trước vẫn được trường lưu trữ cẩn thận cho đến giờ.

Từ năm 1975 đến nay, do các thay đổi về cải cách giáo dục, thay đổi về địa giới và đơn vị hành chính của Tỉnh, trường đã 4 lần phải đổi con dấu ( riêng năm 1976 chưa có con dấu mới, nên đến giờ nhiều hồ sơ học bạ do thầy Chuyên ký, vẫn phải mang đến trường để đóng dấu bổ sung), song trên con dấu có 4 chữ vẫn luôn tồn tại đó là “ Trung Học Vũng Tàu”.

Sau khi ra cơ sở mới được một tháng, do nhu cầu phát triển hệ thống trường chuyên trên phạm vi toàn quốc – mỗi Tỉnh phải xây dựng một trường chuyên, trường trung học Vũng Tàu đã tách ra một phần giáo viên và một Phó Hiệu Trưởng sang thành lập trường chuyên Lê Qúi Đôn. Cơ sở mới của trường có 3 dãy nhà, 24 phòng học nguyên là trường tiểu học Trương Công Định. Đến năm 1998 trường được xây thêm một dãy 3 tầng với 18 phòng học. Số phòng đủ để học sinh học một buổi trong một thời gian. Tuy nhiên do sự đầu tư, thiết kế chắp vá, thiếu sự đồng bộ nên các phòng thí nghiệm, thư viện đều dùng phòng học không đảm bảo yêu cầu của các phòng chức năng, đặc biệt là không có khu học tập thể dục thể thao cho học sinh.

Về thăm trường mới (cấp 3)

Cuối 1999, Bác sỹ Nguyễn Văn Nhân (nguyên Phó chủ Tịch UBND Tỉnh, phụ trách văn xã), bà Nguyễn Thị Chim Lang – Giám Đốc Sở Giáo Dục & Đào Tạo và kiến trúc sư Chu Thế Thực – Giám đốc ban quản lý chuyên ngành xây dựng dân dụng, đã quyết tâm tìm một vị trí mới rộng hơn, để xây dựng trường trung học Vũng Tàu trở thành một trường hiện đại đạt chuẩn quốc gia xứng đáng với tầm vóc và uy tín của trường, sánh vai với các trường trung học chất lượng cao ở các nơi khác. Sau 5 năm tìm địa điểm và thiết kế, đến nay, UBND Tỉnh đã quyết định khởi công xây dựng trường THPT Vũng Tàu vào tháng 12 – 2004.

Trường mới đã xây xong

Từ sau ngày Đất nước được thống nhất, đặc biệt là từ khi thành lập Đặc Khu Vũng Tàu – Côn Đảo, các lợi thế, tiềm năng của mảnh đất này được đánh thức. Dân số tiếp tục tăng nhanh, ngành Giáo dục – Đào tạo cũng không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội. Từ một trường với khoảng 100 học sinh ở năm học đầu tiên ( 1954) đến nay, Thành phố Vũng Tàu đã có 16 trường trung học, ( 10 trường THCS và 6 trường THPT) với 26.015 học sinh. Trong số đó trường Trung Học Vũng Tàu vẫn là một trường có vị thế riêng. Trường đã đạt nhiều thành tích trong mọi mặt hoạt động, nhiều năm liền là trường tiên tiến xuất sắc. Riêng 5 năm gần đây, trường luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, tự khẳng định là một trường công lập đạt chất lượng giáo dục cao. Thầy-Trò của THVT đã miệt mài, âm thầm chuẩn bị kỷ niệm thời khắc lịch sử này một cách có ý nghĩa nhất. Ba năm liền, THVT giữ lá cờ đầu của nghành giáo dục, nhiều năm liền trường có số HS thi đỗ Tú tài 100% – trong đó số HS đỗ loại Giỏi xấp xỉ một nửa số loại giỏi của 24 trường THPT trong toàn Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ( năm 2003: 100/200, năm 2004: 114/310 ), năm nào cũng có học sinh đạt giải Quốc gia, các phong trào Văn nghệ, thể dục thể thao, … cũng luôn là một trong các trường dẫn đầu. Trường được nhận các bằng khen của UBND Tỉnh, của Bộ GD&ĐT, của Thủ Tướng chính phủ và đặc biệt đã được Chủ Tịch nước tặng Huân Chương Lao Động hạng ba.

Toàn cảnh sân trường mới cấp 3

50 năm, vào độ trưởng thành và chín chắn cho một ngôi trường, giờ này Thầy-Trò của THVT không chỉ nhắm tới mục tiêu hàng năm có ít nhất 80% học sinh đậu và tiếp tục học lên Đại Học, mà còn đang xây dựng cho mình dấu ấn riêng – nhiều đoàn đến trường để thăm quan, học tập kinh nghiệm như đoàn giáo dục của các Tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hòa Bình, Hải Phòng,… kể cả một số đoàn ngoại quốc đã có lời khen ngợi. Đó là học sinh của THVT đã được làm thí nghiệm – thực hành tất cả các tiết có trong chương trình, đã được học với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông với những trang thiết bị hiện đại , biết xử dụng thành thạo Vi tính, tiếng Anh và biết tiếng Pháp. Học sinh của THVT biết tổ chức hội diễn văn nghệ một cách khoa học mà thú vị, biết sáng tác thơ văn để làm tập san thường niên và đã được đăng tải trên một số tờ báo , biết chơi một số môn thể thao – nhiều môn tự chọn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, cầu lông…được đưa vào giảng dạy và tổ chức thi đấu giữa các lớp. Những điều đơn giản nhưng cốt lõi đó đã tạo nên những sân chơi bổ ích lý thú và chính nó đã hình thành nên nhân cách riêng có của học sinh THVT.

Đón nhận huân chương

Hội diễn văn nghệ

Để chuẩn bị cho những bước đi xa hơn trong sự nghiệp đổi mới GD & ĐT của Đất nước, từ nhiều năm nay, trường đã đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý và hoạt động dạy học. Điều mà Ban Giám Hiệu và đội ngũ giáo viên của trường trăn trở nhất hiện nay là từng bước thực hiện việc cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động tích cực sáng tạo của học sinh, đáp ứng mục tiêu đào tạo trong giai đoạn đổi mới của Đất nước.

Trên hành trình nửa thế kỷ, trong hoàn cảnh lịch sử nhiều biến động một ngôi trường cũng phải chịu số phận truân chuyên. Một điều kém may mắn là trường Trung học Vũng Tàu không còn được ở vị trí ban đầu. Nhưng dù vị trí và dáng hình có thay đổi thì những kỷ niệm về mái trường trung học Vũng Tàu trong các thế hệ thầy trò Trung học Vũng Tàu vẫn nguyên vẹn và truyền thống tốt đẹp của nhà trường vẫn được tiếp nối, phát huy. Nếu như ngày xưa, trường được xây dựng lên từ nhu cầu nguyện vọng học tập của học sinh thì suốt nửa thế kỷ qua, trường TH Vũng Tàu vẫn kiên trì phấn đấu để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh và đáp ứng ngày một cao hơn đòi hỏi của quê hương Đất nước.

50 năm qua, 438 cán bộ giáo viên đã làm việc và giảng dạy ở trường, hàng chục ngàn học sinh đã học tập ở mái trường thân yêu này và đã trưởng thành, trở nên những công dân tốt đang miệt mài lao động sáng tạo, đóng góp sức mình cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Ngày 19/11/2009 sẽ kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập trường là dịp để các thế hệ thầy trò của trường – Những ai từng học tập và công tác ở mái trường thân yêu này đều cảm thấy vui, tự hào được trở về cội nguồn, được sống lại những kỷ niệm đẹp của một quãng đời của mình; Cũng là để mỗi chúng ta – những thầy cô giáo và học sinh của trường tự nâng mình lên cao hơn để xứng đáng với danh dự của một trường học đã có 55 năm tuổi đời.

Vẫn hướng về nhau – Họp mặt cựu học sinh và các giáo sư tân niên 2011

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *