Những ngày cuối cùng của niên học, tôi và bạn bè chuyền tay viết lưu bút cho nhau để làm kỷ niệm lúc xa cách vì không biết năm tới có còn gặp lại nhau không. Lòng tôi dạt dào cảm xúc khi viết lưu bút cho bạn bè. Tôi trải lên những trang giấy lời chân thành, tha thiết của trái tim mình.
Xin Phép Tác giả Kha Lăng Đa để được đưa về Web Site này cho Các Bạn THVT thưởng thức. Chân thành cảm ơn Tác giả Kha Lăng Đa
Khi hàng cây phượng vĩ bên bờ rào của trường tôi đơm đầy những búp xanh hàm tiếu và khi nhạc ve sầu trổi vang trong tiết trời oi bức, lòng tôi nghe rộn rã, hân hoan, nghĩ đến ngày được thu xếp sách vở, hành trang để trở về quê cũ, sum họp với mẹ hiền và anh, chị, em tôi trong ba tháng nghỉ hè.
Những trận mưa rào đổ xuống thình lình làm ướt áo học sinh trong những lúc tan trường và thôi thúc cho hoa phượng vĩ đua nở trên cành, tạo thành một trời hoa rực rỡ trong nắng đẹp buổi ban mai. Hoa lòng tôi cũng nở rộ theo hoa mùa Hạ. Nhưng trong niềm vui sắp được trở về mái ấm năm xưa, tôi cảm thấy bâng khuâng trong nỗi buồn ly biệt.
Những ngày cuối cùng của niên học, tôi và bạn bè chuyền tay viết lưu bút cho nhau để làm kỷ niệm lúc xa cách vì không biết năm tới có còn gặp lại nhau không. Lòng tôi dạt dào cảm xúc khi viết lưu bút cho bạn bè. Tôi trải lên những trang giấy lời chân thành, tha thiết của trái tim mình. Những mùa phượng vĩ đã qua, tôi không còn gặp lại một số bạn bè khi lên lớp mới, trong ngày đầu tiên của niên học. Vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ phải đi làm việc ở phương xa hay vì hoàn cảnh nghèo, không thể theo đuổi việc bút nghiên nên họ đành phải rời bỏ mái trường, phải ngậm ngùi lìa thầy, xa bạn. Có người đi học ở trường khác. Có người phải bước vào trường đời, vật lộn với miếng cơm manh áo hay khoác chiến y, đi theo lý tưởng của riêng mình.
Sau lễ phát phần thưởng và trình diễn văn nghệ do trường tổ chức, tôi xách hành lý ra cửa Đông của chợ Vũng Tàu, đón xe ngựa vô bến Đình để đi đò về quê tôi cách đó mười ba cây số đường biển, băng qua một cái vịnh tên là vịnh Gành Rái mà ven bờ cây rừng chen chúc trông như một cánh cung xanh.
Con đường từ Vũng Tàu vô Bến Đình dài năm cây số, giữa hai hàng cây cổ thụ che rợp bóng, trong đó xen lẫn những cây phượng vĩ nở đầy hoa. Bốn chân ngựa chạy nước kiệu như gõ nhịp trường canh đều đặn trên mặt đường nhựa chưa ráo nước mưa đêm.
Niềm hân hoan của tôi cũng tươi thắm theo màu “hoa học trò” đang nở tưng bừng trong gió nhẹ, như tiễn đưa kẻ tha phương trở về quê cũ sau bao năm tháng xa cách, nhớ thương. Khi chiếc xe đò máy chở khẳm nặng hành khách và hàng hóa, truân chuyên chạy ra khỏi đầu Núi Lớn, tôi đã nhìn thấy hình ảnh quê tôi với làng mạc và khu rừng sát hiện lờ mờ trên sóng nước ở phía xa. Xứ biển Cần Giờ có làng chài lưới Cần Thạnh nghèo nàn là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.
Tôi đã sống gắn bó với mảnh đất mà ông cha tôi đã sống cuộc đời lam lũ của những ngư dân can trường, dũng cảm, đã từng đối địch với bão tố, phong ba, mang tâm hồn chất phác, thật thà, nhưng biết trọng nhân nghĩa hơn tiền tài, vật chất. Tình mẹ và tình biển nồng mặn đã nuôi tôi khôn lớn, cho lòng yêu mến quê hương cũng đậm đà theo năm tháng.
Mỗi lần trở lại cố hương, khi đò sắp tới bến, nhìn thấy mái nhà xưa quay lưng ra biển, tôi vui mừng mà dòng lệ muốn trào tuôn ra khóe mắt. Tôi chợt hiểu thế nào là tình yêu quê hương. Hèn chi dân làng tôi cam chịu cảnh nghèo nàn, túng thiếu chứ không chịu lìa xa đất tổ, quê cha, dù chỉ cần qua Vũng Tàu sinh sống thì gia đình sẽ được ấm no hơn.
Hè nào, mẹ tôi cũng ra bến nước, hân hoan đón tôi về. Mẹ nói lòng mẹ cũng nôn nao, mong sớm gặp lại tôi khi nhìn những hàng cây phượng vĩ bên đường làng bắt đầu nở hoa, chào đón hè sang. Những ngày mới trở về tổ ấm, mẹ thường dẫn tôi đi xóm rẫy, thăm mộ cha tôi. Tôi và mẹ đi chậm bước dưới hai hàng cây cành lá giao nhau. Từng cơn gió biển thổi lộng về, hoa phượng rơi tản mạn khắp lối đi. Ve sầu kêu inh ỏi trong nắng Hạ. Lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi buồn, thương nhớ cha tôi đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất quê hương giữa một mùa mưa khi tôi vừa tròn mười ba tuổi. Mẹ tôi đã thủ tiết thờ chồng , tảo tần sớm hôm, nuôi đàn con cho đến ngày khôn lớn.
Trong ba tháng nghỉ hè, tôi được sống bên cạnh mẹ và anh chị em, tôi thật là hạnh phúc. Tình thương của Mẹ lúc nào cũng bao la như biển quê hương dạt dào sóng vỗ. Nơi xứ biển thân yêu, có những buổi bình minh thuyền đánh cá tấp nập ra khơi. Đàn hải điểu chao liệng giữa lưng trời khi nắng ấm vừa lên. Những đêm trăng, thuyền về họp bến, ánh đèn chài soi bập bùng dọc theo ven cát trắng. Ngư dân gọi nhau ơi ới giữa đêm khuya.
Nhà tôi bốn mùa hứng gió trùng dương và khúc nhạc trầm của sóng biển ru giấc ngủ thần tiên trong những đêm nguyệt lộng. Mẹ tôi thường làm những món ăn mà tôi thích khẩu như canh khổ qua nấu với tôm biển, khổ qua xào tôm, khổ qua với ruột dồn tôm, thịt. Biết tôi thích ăn khổ qua, mẹ tôi đã làm giàn bên hông nhà để trồng loại trái đắng khi trời bắt đầu đổ mưa rào trong mùa Hạ. Đêm nào mẹ tôi cũng nấu cháo cá cho tôi và anh, chị, em tôi ăn trước khi đi ngủ.
Dưới ánh đèn dầu chao đảo vì gió tạt qua kẽ vách, cả nhà ngồi quây quần trên bộ ván gõ, vừa ăn vừa trò chuyện với nhau. Mẹ tôi thường khuyên anh em tôi phải cố gắng học hành vì dân trí quê tôi quá thấp. Trường làng tôi trong thời Pháp thuộc chỉ có tới lớp ba, đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa mới có được lớp Nhứt, học sinh nào muốn theo bậc trung học, phải qua Vũng Tàu để dự kỳ thi tuyển vào lớp đệ Thất. Số học sinh ở quê tôi sang học trường Trung học Vũng Tàu chỉ được hơn mười người. Tôi may mắn ở trong số học trò ít ỏi này nhờ sự bảo bọc của một người chị bà con hết lòng yêu thương tôi và tôi coi chị như người mẹ thứ hai trong cuộc đời tôi.
Mẹ tôi thường đem những tấm gương hiếu học của cổ nhân để răn dạy chúng tôi như ông Xa Dận nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp đèn, phải đi bắt đom đóm, bỏ vào túi, lấy ánh sáng dể đọc sách vào ban đêm; ông Châu Trí đốt lá đa trước sân chùa dể trau dồi kinh sử nên đậu được Giải Nguyên; Trần Minh nghèo khổ, không có quần áo, phải mặc khố chuối để che thân, nhưng nhờ cố gắng học hành nên thi đỗ Trạng Nguyên. Để khuyên anh, chị, em tôi biết yêu thương nhau, mẹ tôi kể chuyện ông Lý Tích bị lửa liếm cháy cả hàm râu khi ông là quan nhân mà đích thân nấu cháo cho người chị của ông ăn để giải cảm. Rồi mẹ tôi kể chuyện bó đũa và người cha trước phút lâm chung, khuyên đàn con phải giữ tình cốt nhục và phải biết đoàn kết như cả bó đũa, không ai bẻ gãy được, nhưng nếu tách rời ra từng chiếc thì bị bẻ gãy rất dễ dàng.
Mẹ tôi thuộc chuyện xưa, tích cũ khá nhiều. Những điều mẹ tôi giáo hóa chúng tôi thường là đạo làm người, nằm trong ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Mẹ tôi rất thích nghe đoc truyện Tàu. Tôi và chị tôi thường đi mướn những pho truyện như truyện Tam Quốc, Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Thiết Đường, Tàn Đường, Thủy Hử… về thay phiên nhau đọc cho mẹ và cả nhà cùng nghe trong những đêm thanh vắng. Khi tiết trời chớm lạnh vào Thu, tôi phải giã từ mẹ tôi, trở lại căn nhà của người chị bà con ở Vũng Tàu để nhập học.
Ngày cuối cùng, trước khi lìa xa tổ ấm, tôi ngồi trên bãi biển sau nhà, nhìn mông lung ra phía xa khơi, lòng buồn miên man theo từng đợt sóng trắng xô dạt vào bờ. Lần nào ra đi vào buổi sáng hừng đông, mẹ tôi cũng tiễn tôi ra bến nước quê nhà với bao lời dặn dò, khuyên nhủ. Đò tách bến, chạy xa rồi mà mẹ tôi vẫn đứng trông theo.
Cảnh chia ly này diễn ra hàng năm, nhưng lần nào tôi cũng nghe lòng mình quặn thắt vì bịn rịn, luyến thương, không muốn xa mẹ tôi. Lên lớp mới của niên học mới, tôi miệt mài học tập, lòng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương. Niềm vui sách đèn kéo tôi trở về thực tại, tự nhủ mình phải phấn đấu nhiều hơn để không phụ lòng mong ước của mẹ tôi, một người mẹ từ tuổi xuân xanh đến tóc pha màu sương tuyết luôn gánh bao khổ nhọc, hy sinh cho chồng con mà hình vóc phải gầy hao. Trong sự cố gắng học hành, tâm tư tôi vẫn ấp ủ nỗi chờ mong cho mau tới mùa hoa phượng nở. Trong thời niên thiếu, có ba nơi làm bóng mát tình thương cho tôi trú ngụ, thứ nhứt là tổ ấm ở quê mẹ tôi, thứ hai là gia đình người chị bà con đã nuôi tôi ăn học từ khi tôi trúng tuyển vào lớp đệ Thất, và thứ ba là đại gia đình Trung học Vũng Tàu. Tuổi học trò là lứa tưổi ngọc ngà, cuộc đời đẹp như hoa gấm, lắm mộng, nhiều mơ.
Tôi cùng bạn bè và thầy, cô đã cho nhau nhiều kỷ niệm êm đẹp, không phai nhạt với thời gian.
Tôi nhớ mãi lần đi cắm trại ở bãi Thùy Vân, cả trường đốt lửa trại, sinh hoạt văn nghệ ngoài trời giữa một đêm trăng sáng khi sóng biển bủa vào ven cát trắng, ngời sáng ánh lân tinh.
Tôi nhớ một ngày cuối tuần năm ấy, trường tôi tổ chức đi “picnic”, thăm ngọn hải đăng trên đỉnh núi Nhỏ của Vũng Tàu. Trong cuộc “leo núi” phải nghỉ nhiều chặng đường, các thầy, cô đã vui chơi, ăn uống và ca hát với chúng tôi.
Tôi nhớ những ngày hội diễn văn nghệ, khi tôi còn học lớp đệ Thất, vậy mà lớp tôi đã tập dượt được một chương trình với nhiều tiết mục ca, vũ, nhạc, kịch để thi đua với các lớp đàn anh, đàn chị và được sự ngợi khen của các thầy, cô.
Tôi nhớ những ngày họp mặt “Cây Mùa Xuân” vào dịp tất niên, cả trường tôi sum vầy trong tiệc vui được tổ chức giữa sân trường, có chương trình văn nghệ hấp dẫn với những giọng hát học trò nhưng không kém phần truyền cảm và đầy triển vọng.
Song song với việc học tập, trường tôi đã khuyến khích học sinh phát huy quyền tự do ngôn luận bằng những cuộc thi đua viết bích báo.
Đặc san “Sóng Bể” là tiếng nói của trường Trung Học Vũng Tàu được chúng tôi cộng tác, ấn hành hàng năm vào dịp Xuân và Hè.
Phong trào thể thao cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Trường tôi đã đấu giao hữu bóng chuyền, túc cầu, bóng bàn với những trường khác như trường Trung học Châu Văn Tiếp ở Bà Rịa… nhiều trận rất sôi nổi, hào húng..
Tôi đã tham gia phong trào thể thao, văn nghệ và báo chí trong sự thích thú của mình. Từng mùa hoa phượng nở, tôi chia tay với bạn bè để trở về quê cũ, năm nàyqua năm khác, cuộc đời êm đềm như dòng sông lững lờ trôi. Tôi muốn mặc mãi bộ đồng phục áo trắng, quần xanh của nam sinh trường Trung học Vũng Tàu.
Tôi muốn ngắm nhìn mãi tà áo dài tha thướt của các bạn nữ sinh vì nó là biểu tượng của sự hồn nhiên, trong trắng mà tôi nghĩ rằng không có màu áo nào đẹp bằng. Những buổi trưa tan học, dưới ánh nắng vàng hanh, từ cổng trường tôi, những nàng “tiên bạch y” rảo bước, tà áo dài bay trong gió, quyện theo ý nhạc, hồn thơ, như đàn bướm trắng nghe hơi xuân, rủ nhau bay về, tô điểm thêm vẻ đẹp cho thành phố biển mến yêu.
……
Lòng tôi bỗng nhớ về mái trường xưa và thầy, bạn cũ. Tôi nhớ những mùa hè được sum họp với mẹ tôi. Giờ đây, chuỗi ngày hoa mộng của tuổi học trò đã chìm đắm trong quá khứ mịt mùng, muốn trở về đỉnh bình yên của thuở ấy, tôi chỉ còn biết hồi tưởng để mà luyến tiếc tuổi hoa niên. Cuộc đời trải qua nhiều sự đổi thay như biển thẳm hóa nương dâu.
……………………
Tôi đang sống nơi đất khách, quê người. Thầy, cô và bạn bè của tôi có người còn ở quê hương, có người đang sống nơi hải ngoại.
Đã mười năm lê gót tha phương, bỗng một hôm tình cờ mở được “website” của trường Trung học Vũng Tàu với hình ảnh mái trường xưa, thầy, cô, và bè bạn cũ, tôi đã khóc vì vui mừng và xúc động. Tôi đã liên lạc được với một số thầy, bạn cũ và tưởng tượng mình đang sống lại tuổi học trò.
Đây là niềm an ủi của tôi trong khoảng đời còn lại. Tôi thấy cả một trời hoa phượng vĩ nở rực rỡ giữa hồn tôi. Nếu ai hỏi tôi thích hoa gì nhứt? Tôi sẽ trả lời rằng tôi thích hoa phượng vì loài hoa nắng nầy đẹp như kỷ niệm của đời học sinh và gợi cho tôi nhớ đến mẹ tôi với mái gia đình đầm ấm, sum vầy trong những mùa Hè năm xưa. Màu hoa phương đỏ thắm như máu tim tôi đã dâng lên bao tình cảm chân thành, tha thiết, nhớ thương thầy cũ, bạn xưa.
Kha Lăng Đa