Khi tôi học Cao đẳng tiểu học và Ban Tú tài , tốt nghiệp xong, bạn bè cùng lớp mỗi người một ngả, một nghề. Ít gặp nhau, nhất là những anh em làm việc ở các tỉnh: kẻ Nam, người Bắc. Lớp phổ thông của tôi không hề có cuộc họp mặt chung vào thời Pháp thuộc. Ba mươi năm chiến tranh đã đảo lộn xã hội, gây đau thương mất mát về vật chất và tinh thần. Từ ngày hoà bình, để lấy lại thăng bằng tâm hồn, xã hội Việt Nam đã tìm về những giá trị tâm linh, tình cảm, đạo đức truyền thống. Trong khuynh hướng chung đó, có hiện tượng tự phát các học sinh cũ các trường phổ thông tìm nhau để gặp gỡ nhau thường xuyên, năm một hai lần vào đầu xuân hay vào Ngày nhà giáo. Họ phần đông đã ở tuổi về hưu, đều đã trưởng thành, có sự nghiệp ít nhiều trong xã hội. Ở trong nước, ở nước ngoài, đều có các cuộc tập hợp cựu học sinh trường phổ thông. Họ họp nhau do nhu cầu tình cảm. Chẳng vì quyền lợi vật chất hoặc danh vọng gì, chỉ cốt gặp nhau để gợi lại một thời vô tư, trong trắng, nhiều thiện tâm của cuộc đời. Tôi đã thấy các học sinh cũ của tôi tuổi cổ lai hy ở liên trường Nam Định – Hà Bắc –Yên Mô ở trong nước và ở bên Mỹ có những cuộc họp thấm nhuần tình người như vậy, vượt qua cách biệt về tư tưởng. Nhận định chung là: Trong cuộc đời, những bạn tốt nhất là những bạn từ thời nhỏ đi học.
Các giáo sư và học sinh Trường THVT năm 1956.
Đó là về mặt tình cảm!
Không ngờ một tờ báo Nga (NOVYE IZVESTIA ở Matxcơva) gần đây lại đề cao cạnh khía thực dụng của mối quan hệ ấy. Tên bài báo là Bạn cùng lớp có thể giúp cho sự thành công. Dưới đây xin trích ý kiến theo bản dịch tiếng Pháp:
Sau khi đã tốt nghiệp trung học phổ thông, các học sinh vào các trường đại học khác nhau, có khi ở các tỉnh khác, dĩ chí ở nước ngoài.
Mới đầu họ còn tìm cách tiếp tục tiếp xúc với nhau, nhưng rồi năm tháng qua đi, nhiều người mất hút.
Nhưng có những công trình nghiên cứu gần đây cho biết là những mối liên lạc tình cảm ấy có khi là một con bài kinh tế có lợi lớn. Giữ bền tình bạn thời thơ ấu là có khả năng gia tăng lợi ích khi đến tuổi thành niên. Người Mỹ chẳng hạn, cho là tình bạn ở nhà trường mang lại những phần “lãi” đáng kể khi họ là những chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán. Vì bạn bè làm ở các công ty hay hoạt động kinh doanh, trong khi nói chuyện gẫu, có thể cung cấp những thông tin quý báu không có trong báo chí hoặc những nguồn tin chính thức.
Ở Nga, tình bạn học cũ cũng có giá trị kinh tế tương tự ở Mỹ. Không những chỉ ở ngành phân tích chứng khoán mà ở các ngành khác. Thực tế cho thấy là một khi đã chiếm được một vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh tế hay chính trị, người ta thường tìm người cộng tác trong số những người thân quen, trong đó có bạn cũ cùng trường. Gần đây, một công trình nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế (Nga) cho thấy, trong số 4 vụ, cục của Bộ Kinh tế, số cán bộ vào biên chế do con đường quen biết là 45% đến 69%. Ở ngay cấp chính quyền cao nhất cũng vậy. Cũng như ở phương Tây, các Tổng thống Nga (Eltsine, Putin, Medvedev) đều thích tìm đồng sự trong số bạn đại học hoặc đồng nghiệp cũ. Riêng Medvedev đã chọn vợ là một cô bạn cùng lớp từ trường tiểu học.
Qua trải nghiệm bản thân, tôi thấy trong nhiều giai đoạn cuộc đời, do ngẫu nhiên mà bạn cũ cùng trường đôi lúc có những ảnh hưởng rất quan trọng. Các bạn trẻ đang đi học nên suy nghĩ điều này mà chọn bạn.
Hữu Ngọc